20 điều trường ĐH không dạy bạn (Part 1)

 NHỮNG ĐIỀU MÀ TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHÔNG DẠY BẠN


Chào cả nhà. Mỗi khi chúng ta hay nhìn những A/C nào đó ngày xưa học giỏi nhưng ra trường đi làm họ lại không mấy thành công. Lúc đó nhiều người trong chúng ta lại giải thích là chắc là các A/C đó chỉ biết học chứ không năng động. Cơ mà có lẽ các bạn sẽ phải nghĩ lại vì mình biết rất nhiều bạn năng đông + học giỏi nhưng số phận vẫn tương tự. Nhiều bạn tốt nghiệp bằng xuất sắc & làm chủ tịch/phó chủ tịch CLB hẳn hoi - không thể nào kêu các bạn ấy kém năng động được. Nhưng khi đi làm bao nhiêu năm họ vẫn là nhân viên, trong khi nhiều bạn khác đã thăng tiến ( mình không có ý coi thường các bạn ấy đâu nhé, chỉ là đang phân tích để tìm nguyên nhân tại sao mà thôi )


Về ý kiến cá nhân của mình thì mình cho rằng. Cái định nghĩa "năng động" có lẽ là chưa đủ. Nếu chỉ còn là sinh viên thì có lẽ là ok, chỉ cần tự tin, nói năng hoạt bát, hoạt ngôn là đủ. Nhưng khi đi làm, ra ngoài xã hội thì cần phải lên một nấc nữa là "khôn khéo". Mình ví dụ như thế này cho các bạn dễ hiểu. Có thể đây là ý kiến cá nhân của bản thân mình, nhưng mình tin chắc sẽ giúp ích cho nhiều người.


1. Cách sử dụng từ ngữ :


Nhiều bạn nói năng hoạt bát vô cùng. Tự tin nói chuyện với ai cũng không run. Cơ mà một số từ ngữ các bạn dùng nó không hợp lý lắm. Nếu đi làm gặp phải người khó tính có thể sẽ mất điểm.


Ví dụ hôm nọ lâu lâu rồi mình có dịp qua FTU. Lúc ngồi ghế đá nhà A mình có nghe 1 bạn SV nói chuyện với 1 GV và bạn ấy nói câu là "Thế Bọn Cô bao giờ được nghỉ ạ?" - Cái từ "Bọn Cô" các bạn nghe có thấy vấn đề gì không ? Tại sao không dùng là "Các thầy cô ?" hay "các cô".


Hoặc hôm nọ ngồi quán cafe mình nghe có 2 bên công ty làm việc với nhau. Có một bên cứ hay dùng từ là "bọn em" rồi "bọn anh". Tại sao không dùng từ "Công ty em" và "Công ty Anh" hoặc ít nhất là từ "Chúng em" hay "bên anh"


Cái từ ngữ này tưởng chừng là rất nhỏ thôi. Cơ mà đi làm đụng phải người khó tính, đối tác khó tính hoặc các sếp khó tính thì sure là bạn sẽ mất điểm. Họ sẽ cho rằng bạn thiếu sự tinh tế, thiếu chuyên nghiệp.


Một ví dụ khác là nhiều bạn khi tranh luận hay dùng từ "vấn đề". Kiểu như nói câu "vấn đề đó là..." Nghe nó rất nặng nề. Thay vì nói thế có thể dùng câu "thật ra nó là..." hoặc nói là "cái yếu tố đó nó là...." nghe nó nhẹ nhàng hơn rất nhiều


Ở trên là mình lấy một số ví dụ nho nhỏ. Rõ ràng là đi học các bạn năng động nghĩ gì nói đấy, không cần chỉnh chu. Có nói sai thì có lẽ người kia họ cũng không để ý hoặc không để bụng. Nhưng đi làm nó là câu chuyện rất khác


2. Cách ăn mặc.


Khi đi làm, đặc biệt là nếu các bạn phải đi gặp đối tác thì trước khi gặp nhau có lẽ bên đối tác ngoài kỳ vọng vào việc làm ăn thì ít nhiều họ cũng kỳ vọng một chút gì đó vào ngoại hình của người làm việc với mình.


Con người mà, ai chả cảm tính. Hình thức tốt họ nhìn họ cũng sẽ có cảm tình hơn. Mà hình thức thì cách ăn mặc rất quan trọng. Người ta cứ nghĩ đàn ông thì dễ ăn mặc hơn phụ nữ. Cơ mà cũng không phải hoàn toàn là vậy.


Nếu công ty có đồng phục thì không nói. Nhưng đa số các công ty, thậm chí tập đoàn lớn họ vẫn không hề có đồng phục. Lúc đó bạn phải tự ăn mặc. Mình nhớ có lần mình mới đi làm và đi gặp đối tác. Mình mặc áo sơ mi mua sẵn, hình như của Viettien hay gì đó không nhớ. Nhưng đại loại là áo may sẵn thì nó thường không vừa người nên mặc hơi rộng một tý. Nếu bạn là Sếp bụng to mặc thế chắc chả ai bảo gì. Cơ mà mình là nhân viên thôi nên mặc kiểu thế nhìn trông rất già.... Nói chuyện với đối tác thì họ có trên mình một câu ( thật ra là họ đang chê mình). Họ bảo "trông em có khi già hơn cả anh" - đó là lần mình nhớ mãi.


Lại có ban nam mặc theo kiểu áo sơ mi bó sát người như kiểu body.... đến gặp đối tác. xong lúc ra về ông đối tác quay sang nói chuyện với người bạn của ông ấy. Ông ý nói là :Nhìn thằng này tao không ưa tẹo nào, nhìn ăn mặc như Đ.....


Các bạn thấy nó, nó rất nhỏ nhặt thôi, nhưng rõ ràng ảnh hưởng đến công việc rất nhiều và chắc chắn cũng ảnh hưởng đến sự thăng tiến của mình. 


Với mình thì mình rút kinh nghiệm triệt để. Ngay lập tức đi may lấy 3 cái áo sơ mi để mặc luân phiên đi làm sao cho vừa người để không rộng cũng không chật quá...... Ai chả có lúc sai, nhưng sai thì nên sửa ...


3. Dùng từ dìm hàng người khác.


Mình có mấy ví dụ như thế này mình đã tận mắt nhìn và nghe thấy :


VD1: Một bác A khoe là con vừa đỗ ĐH điểm cao, thi hơn 28,5 điểm. Một bạn B là SV ngồi đấy bảo là : Ôi dào, bình thường mà, cháu thi năm ngoái đề khó hơn mà cháu được 29 điểm


VD2: Một nhóm bạn hay chơi với nhau. Hôm đó C nó khoe là nó vui quá, vừa được Sếp tăng lương từ 7 lên 10 triệu. Xong đứa D ngồi đó nói luôn câu : Thế có gì đâu. Tao lương 10tr từ lâu rồi, giờ lương tao 20 triệu cơ.


VD3: Một khách hàng mua hàng ở công ty này. Bình thường họ chỉ mua 1 sp, lần này họ mua 6 sp. Họ bảo là : thế bên chị mua nhiều thế nào có giảm giá hay tặng gì không? Bên NV công ty trả lời là : dạ, mua 6 là bình thường ạ.Bên em toàn bán cho nhiều bên họ mua 20 -30 cơ ạ.


Các bạn có thấy gì từ mấy ví dụ này không ? Khi mà họ đang tự hào về con họ, tự hào về bản thân mình, về công ty mình thì tự nhiên Bốp một phát, họ bị dã cho 1 cái làm tụt mood luôn. Nó như gáo nước lạnh hắt vào họ trong mùa đông lạnh giá.


Nếu bạn kêu là Tôi giỏi, Tôi lắm tiền, công ty tôi làm ăn lớn tôi có quyền khoe - Ok. Tất nhiên là bạn có quyền.


Nhưng như đã đề cập đến ở đầu bài viết, những người khéo léo họ sẽ biết "lựa thời điểm mà khoe" thay vì vả vào mặt họ một phát như thế.


Khi mà bạn nói luôn lúc đấy, họ sẽ hiểu là bạn đang cố tình dìm hàng họ và nâng bản thân bạn lên. Bạn nghĩ là nói thế thì người ta sẽ hâm mộ bạn và nhớ đến bạn. - Đúng là thế đó, họ có hâm mộ bạn thật và họ cũng có nhớ đến bạn thật cơ mà họ sẽ có sự hụt hẫng và cay cú trong lòng. Và khi họ đã không ưa bạn & sinh lòng ĐỐ KỴ thì liệu họ có ủng hộ bạn lên làm Sếp ko ? Hoặc bạn có lên đc thì liệu có yên đc ko ?


Với người nào khéo léo hơn họ sẽ có hai giải pháp :


- Giải pháp 1 là : họ sẽ tìm dịp nào khác để "khoe" chứ không khoe ngay lúc đó để tránh làm tụt mood của người nói, và cũng tránh để người nói họ thấy buồn lòng.


- Giải pháp 2 là : Không bao giờ tự nói ra, cũng không khoe và để tự người ta tìm hiểu và biết sau này. Bạn yên tâm là nếu bạn học giỏi, bạn thu nhập cao, công ty bạn làm ăn lớn thì kiểu gì người ta cũng biết thôi, không cần bạn phải tự nói đâu. Mà lúc đấy có khi họ còn quý bạn hơn vì họ nghĩ rằng bạn "khiêm tốn"


Có thể có các giải pháp khác, nhưng nói gì thì nói, đừng nên cố làm cho họ phải nhớ rằng bạn đã từng dìm hàng họ :))


Như VD1 hay VD2 thì bạn có thể chúc mừng họ. VD3 thì bạn có thể tặng khách món quà nho nhỏ nào đó - đầy quà nó chả đáng bao nhiêu tiền đâu, nhưng tặng họ cảm giác họ cũng thấy thoải mái hẳn luôn.


4. Giao tiếp với ai cũng theo một cách y như nhau.


Khi đi học thì bạn đôi lúc có thể là chính mình. Nghĩa là bạn có chơi với ai đi nữa thì bạn có thể thể hiện đúng bản thân mình. Chơi với ai phong cách cũng như nhau. 


Nhưng đi làm là chuyện khác. đi làm bạn sẽ gặp nhiều Anh/Chị/ đồng nghiệp/ Sếp hơn tuổi mình. Và điều nhiều bạn hay mắc nhất là bạn cư xử với họ y như kiểu cư xử với bạn bè đồng trang lứa của mình. Có nghĩa là khi bạn cũng hơi thân với họ một chút nhiều khi bạn cứ hay đùa hoặc là  "nhờn" với họ. trong khi thực tế họ nhiều tuổi hơn và họ không thích vậy. Cơ mà chả ai nói thẳng cho bạn biết đâu. Bạn sẽ thấy tự nhiên họ sẽ dần xa cách với mình, cũng ko thấy bảo nình nữa nhiều khi bạn không hiểu lý do tại sao. ( Cái này rất hay gặp với các bạn sinh viên đi làm thêm hoặc SV mới ra trường đi làm)


Nên mình muốn nói là, với mỗi đối tượng, thậm chí trong cùng công ty với mỗi ai cũng cần có những cách giao tiếp phù hợp. Đừng có dập khuôn máy móc ai cũng áp như ai rồi lại kiểu giải thích là tôi muốn là chính mình nữa.... Đi làm ở đâu thì buộc phải điều chỉnh mình thích nghi với chỗ đó thôi.


5. Em biết rồi - cái này em biết rồi ạ.


Một câu nói rất phổ biến khi đi làm, đặc biệt là người mới đi làm. Khi mà thường cấp trên or đồng nghiệp nào đó training hoặc họ chỉ gì đó cho mình. Có thể bạn biết thật, cũng có thể hơi hơi biết tý rồi. Cơ mà thường nhiều người không có thói quen nghe người ta nói hết đã nói lại luôn câu "cái này em biết rồi ạ".


Nó cũng chả sai. Bạn biết thật rồi thì ok thôi. Nghe, đọc làm cái gì nữa. 


Cơ mà một là lắng nghe không bao giờ thừa. Đôi khi bạn nghe người khác nói lại theo góc nhìn của họ bạn sẽ ngộ ra vài cái khác


Hai là tự nhiên bạn làm câu đó thì như các mục 3 ấy, nó đánh tụt cảm xúc của người ta luôn. Người ta muốn dạy cho bạn chia sẻ cho bạn là khả năng họ cũng có ý tốt, bạn cứ nói biết hết rồi thì liệu lần sau họ có bảo nữa không ?


Đôi khi Cái từ hay suy nghĩ "em biết rồi" hay "cái này em biết rồi" nó lại giết đi chính cơ hội học hỏi của bạn.


Người nào khôn thì đôi lúc họ biết thật nhưng vẫn giả vờ không biết và im lặng lắng nghe.....


Trên đây là vài ví dụ đơn giản mình hay nhìn thấy nhất. Bạn không khéo trong ăn mặc, trong từ nghĩ, trong ăn nói thì không thể được lòng người khác được. Mà nếu bạn đã không được lòng thì liệu bạn có lên làm Sếp được không? Mà có lên làm Sếp thì liệu bạn có ngồi lâu được hay không ? - Câu hỏi đó có lẽ các bạn có thể tự suy ra được.


Nhiều bạn trên trường học giỏi thật, và cũng rất năng động, tham gia clb rồi cuộc thi nọ, cuộc thi kia.... cơ mà có lẽ là khi ra trường đời các bạn cần thêm một nấc, một bước tiến nữa để chuyển từ "năng động" sang "khéo léo" or "tinh tế" để đạt được những kết quả cao hơn. Và mình nghĩ là cái này chỉ có thể được rèn luyện nhờ vào việc đi làm thêm bên ngoài chứ trên trường sẽ không có điều kiện để rèn luyện.

Nhận xét

  1. Từ facebook qua đây học hỏi anh nè. Nhiều điều bổ ích quá luôn! Cảm ơn anh nhiều ạ.

    Trả lờiXóa

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Ebook (Free) : Bước từ trường học ra trường đời (UPDATE TẬP 3) -Cực kỳ hữu ích với Sinh viên kinh tế tìm hiểu kiến thức xã hội để bước vào đời & người mới đi làm cần tìm định hướng

Gửi những bạn mới ra trường - Phần 1 ( năm 2021)

NÊN CHỌN NGHỀ GÌ ĐỂ SAU CÓ TƯƠNG LAI...