GỬI NHỮNG BẠN MỚI RA TRƯỜNG - Phần 2 ( tháng 10.2022)

 GỬI NHỮNG BẠN MỚI RA TRƯỜNG.

Xem Part 1 tại : https://chihoangduong.blogspot.com/2021/09/gui-nhung-ban-moi-ra-truong.html

Ra trường năm nay là năm thứ 10 rồi, nhưng mỗi khi nhìn thấy những khóa tiếp theo mặc áo cử nhân chụp ảnh là mình vẫn cảm thấy có gì đó xúc động. Có lẽ là khi ai đó tốt nghiệp thì cuộc đời đều bước sang một trang khác, kết thúc quãng thời gian đẹp nhất của cuộc đời, bắt đầu lao vào cuộc sống cơm áo gạo tiền.
Hôm nay mình muốn chia sẻ với các bạn về con đường phát triển sự nghiệp thế nào cho đúng. Cái này được đúc kết sau 10 năm kinh nghiệm ra trường của mình cũng như quan sát từ rất nhiều thế hệ cựu sinh viên. Mặc dù vậy đây vẫn là "ý kiến cá nhân" và nó không thể nào đúng hết với tất cả được, nhưng mình tin nó sẽ giúp ích cho nhiều người.
1. Giai đoạn tìm hiểu.
Cái này thường sẽ tốn 3 năm đầu, hoặc nhiều hơn tùy từng người. Trong mấy năm đầu ra trường các bạn nên cố gắng trải nghiệm công việc tại nhiều nơi khác nhau. Không hẳn mình khuyên các bạn nhảy việc lung tung, tuy nhiên nếu có thể thì trải nghiệm công việc tại nhiều nơi các bạn sẽ có được sự so sánh. Và từ đó bạn sẽ hiểu được là :
- Công việc kiểu nào mình thích làm nhất và làm tốt nhất
- Môi trường làm việc ( chế độ công ty, sếp, đồng nghiệp, đối tác,...) thế nào thì mình cảm thấy phù hợp nhất
Đừng ngại chuyển việc nếu gặp phải công việc mình không thích hoặc thật sự không thể tìm được cảm hứng để làm tốt công việc hoặc điều kiện công ty không phù hợp với bản thân,...
2. Giai đoạn học hỏi.
Kết thúc giai đoạn đầu rồi, cũng như mình nói mỗi người sẽ tốn khoảng thời gian khác nhau. Nên mới ra trường, thậm chí ra trường vài năm vẫn hoang mang là bình thường, không sao cả.
Bước sang giai đoạn này mình mặc định là bạn đã tìm ra được lĩnh vực mà mình muốn theo đuổi và chắc chắn với nó. Có nhiều bạn khi còn đi học cứ hay nghĩ mình làm marketing, hoặc làm tài chính,... hồi sinh viên các bạn đi làm thêm part time và tham gia các cuộc thi nhiều rồi nên các bạn rất chắc chắn. TUY NHIÊN, khi ra trường đi làm công việc full time tại các công ty và tập đoàn lớn thì tính chất công việc nó khác nên các bạn đã đổi ý. Chính vì thế nên mình mới nói cho dù hồi sinh viên các bạn xác định được định hướng hay không thì ra trường các bạn vẫn cần vài năm để xem lại xem cái mình chọn có đúng không.
Giờ sau vài năm, các bạn đã chắc chắn được lĩnh vực mình muốn theo đuổi rồi, và biết được kiểu công ty nào, môi trường nào là tốt nhất với mình rồi thì bạn tìm nơi theo kỳ vọng của mình. Và giai đoạn này các bạn đừng nên nhảy việc hay chuyển việc nữa mà nên cố gắng gắn bó với nơi đó để phát triển.
Nhưng có một chú ý là nơi bạn muốn gắn bó có thể không có một số tiêu chí, nhưng có một thứ chắc chắn phải có đó là có sếp hoặc có cơ cấu "đánh giá năng lực nhân viên hợp lý". Mình thấy nhiều công ty có khả năng đánh giá rất kém, ví dụ bạn làm nhanh, xong sớm thì họ không nghĩ là do bạn giỏi nên làm nhanh, họ lại cho là công ty phân cho bạn quá ít việc nên phân thêm. Hoặc công việc của bạn khó hơn người khác nhưng Sếp không hiểu. Hậu quả của việc đó sẽ là nhân viên không muốn làm việc nhanh. Hợp đồng có thể sáng làm xong rồi nhưng chiều họ mới làm. Vì làm nhanh có được gì đâu, lại bị sai thêm việc. Chính vì thế việc tìm một công ty đánh giá năng lực nhân viên hợp lý và chính xác rất quan trọng.
Khi công ty có khả năng đánh giá tốt thì nếu bạn có thành tích thì sẽ được khen thưởng. Khen thưởng phải là thưởng nóng bằng tiền, hoặc tốt quá thì thăng chức, chứ thưởng bằng phiếu bé ngoan tượng chưng là không được đâu nha. Làm ở công ty như vậy thì bạn mới có động lực phấn đấu được.
3. Giai đoạn thăng tiến.
Giờ tìm được công ty tốt có đủ tiêu chí để gắn bó rồi, làm việc một thời gian tích lũy được kinh nghiệm, có động lực phấn đấu, đến một lúc nào đó bạn lại cảm thấy cái áo mình đang mặc nó hơi chật mất rồi. Nếu cấp trên không đề xuất tăng lương ( cứng) hoặc thăng chức cho bạn thì:
Một là bạn đề xuất. Nhưng tất nhiên phải khéo léo. Khi bạn muốn xin tăng lương (cứng) hoặc xin lên chức thì trước tiên bạn cần nói với sếp là bạn muốn nhận thêm việc hoặc nhận thêm trách nhiệm. Và khi sếp đồng ý, lúc đó bạn mới đề nghị là em làm thêm mấy việc này thì công ty tăng lương hoặc thăng chức cho em được không? Và bạn hứa là chỉ khi nào bạn làm tốt mấy việc kia thì bạn mới nhận lương mới or chức mới. Còn làm chưa tốt vẫn đồng ý nhận lương cũ - Chứ nhiều bạn xin tăng lương hoặc tăng chức chỉ xin không thôi rất khó để được đồng ý. Chả công ty nào hay ông Sếp nào muốn tăng cho nhân viên cả, nên bạn cần khéo léo theo kiểu Win - Win. Anh tăng cho em đi, em đồng ý bán thêm sức lao động.....
Hai là bạn có thể chuyển việc để sang nơi khác với mức lương cao hơn, hoặc với chức vụ tốt hơn. Ví dụ ở nơi này bạn đang làm nhân viên xuất sắc thì tìm job nơi khác làm trưởng phòng hoặc team leader gì đó.
4. Giai đoạn bung lụa.
Giờ đã đi rất nhiều năm, bạn đã có thu nhập khá, có chức tước khá và bền vững. Tại sao mình dùng hai từ "bền vững". Vì nhiều công ty hoạt động theo kiểu đa cấp ấy, vừa mới làm lên trưởng phòng luôn, hoặc công ty ai cũng thấy làm trưởng phòng với mục đích lôi kéo, tuyển người mới vào - kiểu đó hơi đa cấp và có thể không bền vững và không phải thuộc trường hợp mình nói đến.
Giờ là lúc bạn cần nghĩ cao hơn, xa hơn. Có một số trường hợp bạn có thể chọn:
Nếu bạn thấy cơ hội có thể tự ra mở công ty riêng. Ví dụ bạn làm kiểm toán có thể ra mở công ty chuyên làm sổ sách cho công ty khác. Bạn làm trưởng phòng Marketing thì có thể ra mở các Marketing agency,.....
Hai là bạn thấy mình chưa đủ khả năng, hoặc không có gan thì bạn vẫn làm công ty đó, nhưng bạn nhận thêm job bên ngoài - y như ở trên, chỉ khác là quy mô nhỏ hơn thôi.
Ba là bạn tìm công việc khác hoặc tham gia đầu tư. Công việc khác đại loại như văn phòng thì bạn làm xnk nhưng về nhà bạn bán hàng online kiếm thêm. Hoặc có người ban ngày đi làm ngân hàng, xong ở ngoài mở thêm quán cafe,... Hoặc người thì đầu tư chứng khoán, đầu tư vàng....
Trên đây là kinh nghiệm của mình cũng như những gì mình quan sát, đúc kết lại sau 10 năm ra trường. Hy vọng là nó sẽ giúp được cho nhiều bạn.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Ebook (Free) : Bước từ trường học ra trường đời (UPDATE TẬP 3) -Cực kỳ hữu ích với Sinh viên kinh tế tìm hiểu kiến thức xã hội để bước vào đời & người mới đi làm cần tìm định hướng

Gửi những bạn mới ra trường - Phần 1 ( năm 2021)

NÊN CHỌN NGHỀ GÌ ĐỂ SAU CÓ TƯƠNG LAI...